Chương 4 Dự thảo quy chế quản lý hệ thống thoát nước thành phố Bắc Ninh (15/3)

Admin 15/05/2018

Chương IV

 

PHÍ THOÁT NƯỚC VÀ NGUỒN VỐN THỰC HIỆN

Điều 18. Đối tượng phải thành toán phí thoát nước

1. Hộ thoát nước xả nước thải vào hệ thống thoát nước phải thanh toán phí thoát nước do đơn vị quản lý vận hành cung ứng. Các chi phí vận hành, bảo dưỡng và đầu tư sẽ từng bước được thu hồi thông qua phí thoát nước.

2. Tất cả các hộ thoát nước xả nước thải trực tiếp ra môi trường có nghĩa vụ trả phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định của Nghị định 67/2003/NĐ-CP này 13/6/2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và Nghị định số 04/2007/NĐ-CP ngày 08/01/2007 về sử đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2003/NĐ-CP.

Điều 19. Lập và trình duyệt phương án phí thoát nước

1. Trách nhiệm lập, quyền thẩm định, quyền định giá phí thoát nước theoĐiều 55 của Nghị định 88/2007/NĐ-CP.

2. Phương án thu phí tính toán trên cơ sở sau:

a) Đánh giá việc sử dụng nước sạchviệc xả nước thải tại trên địa bàn:

- Mức độ sử dụng nước sạch của các đối tượng khách hàng;

- Biểu giá nước sạch và lộ trình tăng giá nước sạch;

- Tình hình sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước đô thị và từ các nguồn khác;

- Đánh giá lưu lượng, chất lượng nước thải.

b) Đánh giá nhu cầu, khả năng đầu tư phát triển hệ thống thoát nước trên địa bàn;

c) Giải thích các chi phí vận hành bảo dưỡng tương ứng với từng giai đoạn phát triển hệ thống thoát nước và việc cải thiện chất lượng dịch vụ;

d) Doanh thu phí thoát nước được tính toán theo ba phương án như sau:

Thu hồi toàn bộ chi phí vận hành bảo dưỡng;

Thu hồi toàn bộ chi phí vận hành bảo dưỡng và khấu hao thiết bị do chủ sở hữu đầu tư;

Thu hồi toàn bộ chi phí vận hành bảo dưỡng, khấu hao thiết bị xây dựng do chủ sở hữu đầu.

e) Đánh giá và Dự báo phát triển kinh tế - xã hội, mức sống thu nhập hiện tại của các hộ trên địa bàn tương lai 5 năm, tỉ lệ lạm phát và năng lực thanh toán của các hộ.

Việc đánh giá năng lực thanh toán của các hộ thoát nước dựa vào:

Đối với nước thải sinh hoạt: Phí nước thải không quá 3% tổng thu nhập hàng tháng của các hộ;

Đối với nước thải khác theo quy định tại điều 22 của Quy chế này.

f) Các kiến nghị về các phương án thu phí thoát nước cụ thể và lộ trình tăng phí thoát nước dựa trên các chi phí vận hành bảo dưỡng, các chi phí trả nợ vốn vay đầu tư (nếu có) và doanh thu từ phí thoát nước và mức độ bao cấp có thể của địa phương tương ứng với phương án kể trên.

Điều 20. Xác định khối lượng tính phí thoát nước

1. Trường hợp hộ thoát nước xả nước thải sinh hoạt có sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước thành phố, khối lượng nước thải tính phí bằng 100% khối lượng nước tiêu thụ ghi trên hoá đơn tiền nước.

2. Trường hợp hộ xả nước thải sinh hoạt không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước thành phố, khối lượng nước thải tính phí được xác định dựa trên mức khoán 4m3/người/tháng và có thể điều chỉnh tùy theo sự tăng lên của mức sống.

3. Trường hợp hộ xả nước thải khác  sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước thành phố, khối lượng nước tính phí bằng 80% khối lượng nước tiêu thụ ghi trên hoá đơn tiền nước.

4. Trường hợp hộ xả nước thải khác không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước thành phố, khối lượng nước tính phí bằng 80% lượng nước sạch qua đồng hồ. Hộ xả nước chịu trách nhiệm mua, lắp đặt và vận hành đồng hồ đo nước thô và các thiết bị phụ trợ khác. Nếu hộ xả nước không lắp đặt đồng hồ đơn vị quản lý vận hành có quyền ghi phí theo ước tính hợp lý.

Điều 21. Xác định hàm lượng chất gây ô nhiễm để thu phí

1. Đối với nước thải khác, hàm lượng chất gây ô nhiễm được xác định dựa trên lượng COD (mg/l).

2. Hàm lượng COD được xác định bằng xét nghiệm do phòng thí nghiệm có đủ năng lực theo Mục b, Khoản 2, Điều 42 của Nghị định 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ và lệ phí xét nghiệm chất lượng nước thải sẽ do hộ thoát nước chi trả.

3 Nếu hộ xả nước thải không cung cấp thông tin về hàm lượng chất gây ô nhiễm, đơn vị quản lý vận hành được phép áp dụng hệ số tối đa ghi tại Điều 53 Nghị định 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007.

Điều 22. Thu phí thoát nước

1. Đối với khách hàng sử dụng nước từ hệ thống cấp nước đô thị, tiền phí thoát nước được tính vào cùng một hoá đơn với tiền nước cấp, nếu dịch vụ cấp nước và thoát nước do một đơn vị đảm nhiệm.

2. Trường hợp cấp nước và thoát nước do hai đơn vị khác nhau đảm nhiệm, đơn vị quản lý vận hành phải cung cấp thông tin cần thiết về chất lượng nước thải khác của các đơn vị cấp nước để tính phí thoát nước, thời điểm cung cấp thông tin do hai bên thống nhất.

3. Đối với khách hàng không sử dụng nước từ hệ thống cấp nước đô thị, đơn vị quản lý vận hành thu trực tiếp phí thoát nước từ khách hàng.

4. Tất cả các khoản phí thu được phải chuyển vào một tài khoản chuyên dụng do chủ sở hữu công trình thoát nước mở tại kho bạc nhà nước, và chỉ được sử dụng vào mục đích thoát nước.

Điều 23. Điều chỉnh phí thoát nước

1. Phí thoát nước được xem xét lại ít nhất 2 năm một lần và được điều chỉnh nếu xuất hiện một trong các yếu tố sau đây:

a) Tỷ lệ biến động trung bình của các yếu tố (liên quan đến quản lý nước thải) 10% về giá;

b) Khi có sự đầu tư thay đổi cơ bản về công nghệ xử lý nước thải, quy chuẩnxả thải, chất lượng dịch vụ;

c) Có sự thay đổi trong chính sách và các quy định của nhà nước liên quan đến lĩnh vực nước thải.

Điều 24. Bù chi phí của nhà nước và lộ trình giảm bù chi phí

1. Trường hợp doanh thu hiện tại từ thu phí không đủ để trang trải mọi chi phí (chi phí vận hành, cộng chi phí khấu hao các thiết bị máy móc cơ điện, cộng khấu hao các công trình xây dựng), chính quyền địa phương sẽ cung cấp ngân sách bù đủ phần thiếu hụt.

2. Đơn vị quản lý vận hành phải đề xuất lộ trình giảm bù chi phí của nhà nước.

Điều 25. Sử dụng phí thoát nước                                                    

Nguồn thu phí thoát nước chỉ được sử dụng cho các hoạt động thoát nước và lần lượt theo thứ tự ưu tiên như sau:

1. Thanh toán các dịch vụ vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa.

2. Thanh toán dịch vụ thu phí.

3. Thanh toán việc xả thải vào các công trình thủy lợi cần phải đóng phí theo Quyết định 59/2006/QĐ-BTC ngày 25/10/2006 của Bộ tài chính.

4. Đầu tư bổ sung để duy trì và phát triển hệ thống thoát nước.

Điều 26. Cơ chế tài chính cho việc mở rộng hệ thống thoát nước

1. Các chi phí cho việc mở rộng hệ thống thoát nước do chủ sở hữu đầu tư trên cơ sở đề xuất của đơn vị quản lý vận hành.

2. Mọi chi phí đầu tư cho hệ thống nội bộ từ nơi phát sinh nước thải đến hố kiểm tra do hộ thoát nước đảm nhiệm.

3. Chủ sở hữu công trình có thể giao cho đơn vị quản lý vận hành quản lý dự án và đầu tư.