-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Vai trò của Doanh nghiệp nhà nước trong mô hình PPP nhằm phát triển hạ tầng cấp nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (1/8 )
15/05/2018
Mô hình hợp tác theo hình thức “đối tác công tư” , hay còn gọi là PPP, trên thể giới cũng như ở Việt nam không còn là cấu trúc hợp tác mới. Ở những nước có nền kinh tế phát triển hợp tác giữa Nhà nước và Tư nhân đã trở thành nguyên tắc, ngay cả những lĩnh vực đặc thù như quân sự hay an ninh; chẳng hạn mô hình PPP đã được áp dụng từ những năm 1950 tại Mỹ trong lĩnh vực giáo dục, (ở Việt nam mô hình hợp tác PPP được gọi theo khái niệm phổ biến là Xã hội hóa hay rõ hơn là Nhà nước và nhân dân cùng làm)
Ngoài hai thái cực của việc sử dụng nguồn đầu tư là hoàn toàn tư nhân hay nhà nước, thì các hình thức đầu tư khác giữa hai thái cực đó đều có ít nhiều sự hợp tác giữa công và tư. Theo các chuyên gia kinh tế về cơ bản có thể chia làm 5 hình thức thực hiện mô hình PPP đó là:
- Mô hình nhượng quyền khai thác: Nhà nước đầu tư các cơ sở vật chất nhưng thuê tư nhân vận hành khai thác nhằm tận dụng ưu thế về kỹ năng và tính hiệu quả trong quản lý của khu vực tư nhân.
- Mô hình nhượng quyền xây dựng và khai thác: Nhà nước sẽ cung cấp các khoản tín dụng phù hợp (có các điều kiện về vay và hoàn vốn đảm bảo lợi ích của bên khai thác vận hành), Tư nhân sẽ tổ chức xây dựng cơ sở hạ tầng và vận hành (tận dụng các nguồn lực trong quá trình tổ chức thực thi dự án và quản lý vận hành tài sản của khu vực tư nhân).
- Mô hình xây dựng vận hành và chuyển giao (BOT): là mô hình thực hiện dự án sử dụng vốn nhà nước, mặc dù đầu tư ban đầu sẽ sử dụng vốn tư nhân, tuy nhiên việc lập dự án và thiết kế ban đầu do Nhà nước thực hiện (mô hình này sẽ có ít lựa chọn hơn cho khu vực tư nhân).
- Mô hình BTO: Sử dụng nguồn tài chính từ Nhà nước, thực hiện triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng được với các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước, dự án sau khi thực hiện xong sẽ giao lại cho Nhà nước và tư nhân sẽ thực hiện hợp đồng vận hành thuê.
- Mô hình cuối cùng BOO: Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho tư nhân thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng sau đó sở hữu và khai thác, phần đóng góp của Nhà nước chủ yếu thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giải phóng mặt bằng, chính sách về thuế và các hỗ trợ khác.
Sau khi quan sát và tổng kết việc triển khai một số lượng lớn những dự án hợp tác công tư , để hiểu rõ hơn về vai trò của các bên trong quan hệ hợp tác công tư trong phát triển kinh tế xã hội nói chung cũng như phát triển cơ sở hạ tầng nói riêng, chúng ta sẽ phân tích sơ đồ dưới đây nhằm trả lời cho câu hỏi về sự tồn tại của PPP
Tại sao công tư lại phải hợp tác?
(nguồn: Học viện công nghệ Châu á - AIT)
Ở Việt Nam có thể nói, mô hình PPP đúng nghĩa được thực hiện đầu tiên vào thập niên 90 của Thế kỷ trước với dự án khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Dự án đã được thực hiện theo cách kết hợp giữa BOT và đổi đất lấy hạ tầng (phần đóng góp của Nhà nước chủ yếu là nguồn tài chính chuyển đổi từ quyến sử dụng đất và có thể một phần các hạ tầng hỗ trợ làm tăng giá trị sử dụng của dự án chẳng hạn như những tuyến giao thông liên vùng hay những công trình công cộng thiết yếu). Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế đây được coi như một dự án đổi đất lấy hạ tầng thành công nhất tại Viêt Nam.
Như vậy mô hình PPP không phải là mới ở Việt Nam, từ hơn 20 năm nay việc hợp tác giữa nhà nước và tư nhân đã được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực với nhiều tên gọi khác nhau như: BOT, BOO, BT..... và mặc dù hiệu quả của mô hình hợp tác này cần nhiều thời gian để kiểm chứng, nhưng rõ ràng trước mắt nó đã giải quyết được một phần về nhu cầu rất lớn về cơ sở hạ tầng cũng như những dịch vụ thiết yếu của Việt Nam trong thời gian qua.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, ngoài những hình thức PPP đối với các công trình hạ tầng kinh tế xã hội hay các dịch vụ xã hội thiết yếu khác được áp dụng một cách rộng rãi, trong những năm qua trong lĩnh vực cấp nước và xử lý nước thải đã có nhiều mô hình hợp tác công tư đã được triển khai, điển hình có thể kể đến Nhà máy nước Lim (Năm 2007)với sự tài trợ của Ngân hàng thế giới áp dụng mô hình DBL (thiết kế - xây dựng -thuê vận hành) là mô hình được áp dụng đầu tiên ở Việt Nam, Dự án cấp nước BOO thị xã Từ sơn (năm 2005), Dự án xử lý nước thải BOT thị xã Từ Sơn (năm 2013), Nhà máy nước mặt thành phố Bắc Ninh (BT) (2015); Nhà máy cấp nước Sông Cầu (BOO)(2014) và rất nhiều các dự án cấp nước nông thôn khác, đó là những ví dụ hết sức sinh động mà ở đó Nhà nước như là một bên trong hợp tác với Tư nhân xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho xã hội nói chung cũng như cho các cộng đồng dân cư.
Trong tương lai đối với tỉnh Bắc ninh, mô hình hợp tác công tư chắn chắn sẽ có triển vọng rất lớn, vì theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đã được UBND tỉnh duyệt vào năm 201, đến năm 2030, để đạt được các tiêu trí là một tỉnh công ngiệp theo hướng hiện đại, công suất cấp nước toàn tỉnh phải đạt 400.000m3/ngđ với 6 Nhà máy và 200.000m3/ngđ nước thải sinh hoạt cần xử lý (với 11 Nhà máy)tương đương với lượng vốn đầu tư vào khoảng 4000 tỷ đồng cho cấp nước và khoảng 25.000 tỷ cho thoát nước, đây sẽ là một cơ hội rất lớn để các nguồn lực nhà nước của tỉnh Bắc Ninh và các nguồn lực tư nhân có thể kết hợp hợp với nhau thông qua các mô hình liên doanh, liên kết để đầu tư.
Mô hình hợp tác Công Tư đã tồn tại hơn 6 thập kỷ qua, tuy nhiên những ưu nhược điểm của nó vẫn đang được đánh giá, tuy vậy với các chương trình hợp tác PPP đã thực hiện thành công , nhìn chung đều có chung đặc điểm đó là:
- Thông tin được minh bạch: Các chương trình dự án được thực hiện theo mô hình PPP phải được thực hiện dựa trên sự minh bạch cả về mục tiêu, cấu trúc, quyền và trách nhiệm của các bên trong các quá trình chuẩn bị, thực thi cũng như đưa dự án vào hoạt động, các thông tin liên quan đến điều kiện kinh tế xã hội liên quan đế dự án phải được phản ánh trung thực và phải dễ tiếp cận.
- Cả nhà nước và Tư nhân đều phải đạt được lợi ích của mình: các mục tiêu kinh tế xã hội của Nhà nước phải được lồng ghép với lợi ích của khu vực tư nhân, những rủi ro chủ quan (chính sách, qui hoạch, an ninh quốc phòng) phải được Nhà nước kiểm soát và loại trừ ngay từ khi hình thành dự án, lợi ích của khu vực tư nhân phải được tính đến một cách đầy đủ với lợi nhuận cận biên cận biên chấp nhận được.
- Cơ sở pháp luật nhất quán và việc thực thi pháp luật hiệu quả: Hợp tác PPP chỉ có thể được hiện thực hóa khi nó được xây dựng trên một cơ sở pháp lý khoa học được thực thi triệt để và nhất quán, có những ý kiến cho rằng việc tham gia của tư nhân còn hạn chế, mang tính cơ hội và ngắn hạn xuất phát từ những rủi ro cao về chính sách.
Xuất phát từ đặc điểm, tính chất cũng như đặc thù của mô hình hợp tác công tư vừa trình bày ở trên, Doanh nghiệp nhà nước trong mô hình PPP nhằm phát triển hạ tầng cấp nước và xử lý nước thải trên địa bàn có thể được sử dụng với những vai trò như sau:
- Đại diện cho khu vực công trong quá trình xây dựng dự án, trong việc xác định các cơ sở dữ liệu đầu vào như đánh giá nhu cầu, mục tiêu, xác định qui mô, các chỉ số hoạt động của dự án
- Tham mưu cho UBND Tỉnh và các sở liên quan về các hoạt động đánh giá tính khả thi của dự án, lựa chọn giải pháp kinh tế kỹ thuật, quản lý rủi ro và tham gia xây dựng mô hình quản lý vận hành.
- Tham gia xây dựng hợp đồng của chương trình dự án PPP và kiểm soát việc thực hiện hợp đồng với tư cách là đại diện cho khu vực Nhà nước.
- Tư vấn hỗ trợ khu vực tư nhân trong quá trình triển khai xây dựng dự án, thiết kế và xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như đào tạo vận hành, quản lý và bảo dưỡng cơ sở hạ tầng sau đầu tư.
- Tham gia đánh giá hiệu quả sau đầu tư của dự án cấp nước và sử lý nước thải trên địa bàn tỉnh.
Hơp tác nhà nước và tư nhân trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Bắc Ninh là một yếu tố quan trọng để tỉnh Bắc ninh đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội của mình, mặc dù thực tế từ những năm qua PPP đã được áp dụng dưới nhiều hình thức khác nhau với tên gọi khác nhau và đã đạt được những thành công nhất định; tuy nhiên để có thể triển khai tiếp, nâng cao hiệu quả hợp tác, tránh những rủi ro khách quan cũng như chủ quan, rất cần một cuộc tổng rà soát rút nhằm ra những bài học kinh nghiệm cũng như xây dựng được một khung pháp lý hoàn chỉnh để có thể tiếp tục triển khai trong tương lai, cho dù đánh giá ở bất cứ góc độ nào, một mô hình hợp tác công tư chỉ có thể thành công khi mà, sau khi những trương trình dự án hoàn thành, nó vừa phải thoả mãn được các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng yêu cầu cải thiện điều kiện sống cho người dân đồng thời các lợi ích của khu vực của tư nhân được đảm bảo cũng như khu vực kinh tế tư nhân được phát triển một cách lành mạnh.
Những bài học hợp tác với khu vực Tư nhân của Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Bắc thông qua Dự án cấp nước Lim, Dự án cấp nước mặt sông cầu hay những quan sát và nghiên cứu một số mô hình hợp tác công tư với Nhà đầu tư tư nhân nước ngoài chắc chắn sẽ cung cấp nhiều bài học bổ ích cho việc nâng cao hiệu quả mô hình PPP của Tỉnh.
Tác giả: Đinh Quang Hiệp (BN.WSSC)