Phân biệt giữa lãnh đạo đích thực và lãnh đạo giả (10/9)

Công ty cổ phần nước sạch Bắc Ninh 15/05/2018

CHƯƠNG 1.

 THẦN ODIN, CÔNG TY ENRON, VÀ LOÀI VƯỢN NGƯỜI

 

Phân biệt giữa lãnh đạo đích thực và lãnh đạo giả

Tôi đã ngồi trò chuyện cùng thủ tướng Đông Timo và bàn thảo với ông về các lựa chọn của ông. Năm ngày trước đó, một nhóm người biểu tình trong cơn giận dữ đã đốt nhà ông và phá huỷ các toàn nhà chính phủ, các cơ sở kinh doanh và nhà cửa người dân. Họ giận dữ vì sự thay da đổi thịt tại Đông Timo đã không diễn ra nhanh như họ mong đợi. Trong cảnh hỗn loạn, các cảnh sát non nớt, thiếu kinh nghiệm đã nổ súng vào những người phản đối, giết chết một thanh niên và làm nhiều người khác bị thương. Vị thủ tướng chỉ mới đương nhiệm chưa được một năm. Hơn nữa, ông còn là vị lãnh đạo người địa phương đầu tiên của Đông Timo – một đất nước đã nằm dưới ách thống trị thuộc địa của Tây Ban Nha và Indonexia hơn 400 năm qua. Khi còn là thuộc địa của Indonexia, một phần mười dân số của Đông Timo đã bị tàn sát. Vị thủ tướng phải gánh vác một trọng trách không tưởng: đó là xây dựng một chính phủ mới trung thực và hiệu quả, cùng với việc tái thiết đất nước từ đống tro tàn (chưa kể đến việc tái thiết ngôi nhà bị đốt thành tro của ông). Cả nước Đông Timo như một thùng thuốc súng mà bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ bùng nổ. Thủ tướng biết rằng ông cần phải thật sự nhạy bén và có trách nhiệm trong việc sử dụng quyền lực của mình trong tình huống đầy bất trắc và đòi hỏi nhiều nỗ lực của đất nước ông. Tất cả mọi người đều đang dõi mắt xem ông sẽ làm những gì.

Ở một bình diện quan trọng khác, thủ tướng Mari Alkatiri còn phải đối mặt với những thách thức mà nhiều nhà lãnh đạo, cả nam lẫn nữ, đang phải đương đầu: đó là cố gắng sử dụng quyền lực để tạo ra hoặc là bảo vệ các giá trị, và để bảo đảm rằng tổ chức, cộng đồng, hoặc quốc gia của họ không những tồn tại mà còn phát triển thịnh vượng. Thủ tướng phải xem xét một loạt nhiều vấn đề nghiêm trọng, như người dân đang thật sự phải đối mặt với những thách thức gì, chiến lược nào sẽ mang lại cho người dân cơ hội thành công cao nhất, những giá trị nào cần phải được phát huy trong giai đoạn này của người dân. Nói tóm lại, về bản chất ông đang phải xem xét câu hỏi, “đối diện với những vấn đề này, một nhà lãnh đạo đích thực sẽ phải hành động như thế nào?”.

Kết quả cuối cùng cho thấy ông Alkatiri đã xử lý cuộc khủng hoảng rất tốt. Ông đã quyết định không đả kích, không trả thù cũng như không có các hành động chính trị vô bổ. Ông nhận ra rằng bản khế ước xã hội giữa chính phủ của ông và người dân còn rất mỏng manh và cần nhiều thời gian để củng cố - xét cho cùng, đất nước này đã bị tưới đoạt quyền tự trị trong nhiều thế kỷ. Ông đã đứng trước nhân dân và lặp lại lời cam kết sẽ xác lập một chế độ dân chủ, nhắc nhở mọi người về mối nguy cơ đang đe doạ đất nước và đích thân tìm kiếm những thành phần bất mãn và cô thế để cam đoan rằng ý kiến của họ vẫn luôn được tôn trọng trong quá trình xây dựng đất nước. Những lựa chọn này đã bảo đảm rằng nội chiến sẽ không xảy ra ở Đông Timo và đất nước sẽ tiếp tục phát triển theo con đường tự trị dân chủ.

Những đặc điểm của sự lãnh đạo đích thực

Câu hỏi “ Sự lãnh đạo đích thực là gì- loại lãnh đạo mà giúp cho thế giới vượt qua khủng hoảng và hoàn thiện cuộc sống con người” là một câu hỏi đã làm nhiều triết gia, chính trị gia, thi sỹ và các nhà tiên tri đau đầu từ thuở sơ khai. Ngày nay, bạn có thể nhận được các câu trả lời khác nhau từ nhiều người khác nhau. Khi tôi đặt câu hỏi này với chủ tịch của một trong 500 công ty hàng đầu do tạp chí Fortune xếp hạng ông giải thích rằng một nhà lãnh đạo đích thực phải biết phát triển một chiến lược kinh doanh độc nhất và tạo ra các động cơ cùng các hình thức tưởng thưởng để khuyến khích người lao động tập trung vào mục tiêu tài chính. Theo Mullah Omar, cựu lãnh đạo nhóm Taliban ở Afghanistan, một nhà lãnh đạo đích thực là người phải biết cách diễn giải kinh Koran và đem những diễn giải đó áp dụng vào thực tế. Gần đây, một vị tướng trong quân đội Mỹ đã nói với tôi rắng sự lãnh đạo đích thực được thể hiện trong “nghệ thuật động viên” để khiến những người lính thực hiện những điều bạn muốn. Một vị cựu thủ tướng lại giải thích rằng đối với ông sự lãnh đạo đích thực chính là “ khả năng thuyết phục” để bảo đảm rằng mọi người sẽ ủng hộ hết mình nghị trình chính trị của chính phủ ông. Một người đứng đầu cộng đồng tôn giáo lại cho rằng sự lãnh đạo đích thực trước hết phải là “ một tấm gương”. Với một chính trị gia, sự lãnh đạo đích thực phải “tận tâm với một điều gì đó”, và “khi bạn tiến về phía trước để dẫn đầu và ngoảnh đầu lại nhìn, ở phía sau tất cả mọi người vẫn tin tưởng đi theo với bạn, khi đó bạn chính là một nhà lãnh đạo đích thực.”

Tất cả những quan niệm này đều là những biến thể khác nhau của cùng một chủ đề - “ chỉ ra con đường” và “khiến mọi người đi theo”. Những quan niệm về lãnh đạo này rất phổ biến trong giới kinh doanh hiện đại. Về cơ bản, mục tiêu là khiến những người khác làm những việc mà bạn muốn họ làm. Chỉ ra con đường và làm cho mọi người đi theo, mô hình này cho thấy những người lãnh đạo phải hình thành một tầm nhìn, động viên mọi người bằng truyền đạt thuyết phục, là một tấm gương sáng, và sử dụng một hệ thống khuyến khích và trừng phạt để duy trì hoạt động.

``Thế nhưng, quan điểm này vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ khi các tổ chức và các cộng đồng phải đối mặt với những thách thức phức tạp trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay. Điều gì xảy ra khi phương hướng của người lãnh đạo là sai lầm? Điều gì sẽ xảy ra khi tầm nhìn là sản phẩm của một tư duy ảo tưởng? Điều gì xảy ra khi nhà lãnh đạo tìm cách lợi dụng mọi người cho những mục đích bất chính riêng của cá nhân họ? Điều gì sẽ xảy ra khi mọi người trở nên phụ thuộc vào nhà lãnh đạo và không thể phát triển được các khả năng của chính họ? Điều gì sẽ xảy ra khi mọi người chỉ mong mỏi có những câu trả lời đơn giản và những cách giải quyết nhẹ nhành và trao quyền cho những kẻ mị dân có khả năng lôi cuốn quần chúng? Trước những khả năng có thể xảy ra này, tôi tin rằng chúng ta cần có một khái niệm mới về một nhà lãnh đạo đích thực và có trách nhiệm – một người mà không nhấn mạnh đến quan hệ giữa nhà lãnh đạo – người đi theo và mục tiêu mà là mối quan hệ nhà lãnh đạo – nhóm và thực tế.

Sự lãnh đạo đích thực làm cho mọi người đối mặt với thực tế

Đối với một nhân vật quyền lực hoặc một chính trị gia theo đuổi mục tiêu giành quyền lực và đạt được cái họ muốn, thì “chỉ ra con đường” và “ tạo ra “đông đảo những người đi theo” được xem là thước đo hàng đầu cho thành công. Tuy nhiên, điều này không thể được xem là thước đo cho sự thành công trong lãnh địa của sự lãnh đạo đích thực. Sự lãnh đạo hướng tới đạt được tiến bộ xã hội thật sự phải đánh giá thành công căn cứ vào mức độ mọi người đang giải quyết những vấn đề cốt lõi thực tế, chứ không phải là các triệu chứng bên ngoài, các mục tiêu nguỵ trang hay các nhiệm vụ giả tạo. Nghĩa là, câu hỏi nhà lãnh đạo đích thực cần đặt ra cho bản thân là liệu mọi người có đang đối mặt với thực tế hay trốn tránh thực tế? Tìm được câu trả lời xác đáng và những giải pháp đích thực cho những vấn đề hóc búa của đất nước không phải là điều dễ làm bởi vì chúng đòi hỏi phải để ý đúng mức đối với những giá trị và thói quen đã ăn sâu trong tư duy của cộng đồng, một điều mà tất cả thành viên của cộng đồng đó đều cố gắng bảo vệ bằng nỗ lực và sự hi sinh của bản thân họ.

Vì thế, sự lãnh đạo đích thực sẽ đòi hỏi mọi người phải biết cách điều chỉnh các giá trị, tư duy và mục tiêu ưu tiên để đối phó với những mối đe doạ, để thích ứng với những thực tế mới và tận dụng những cơ hội đang phát sinh. Về bản chất, sự lãnh đạo đích thực phải biết cách điều khiển, tổ chức quá trình học tập xã hội của mọi người trước những vấn đề phức tạp và những thách thức. Mọi người cần nhận thức được vì sao họ đang ở trong hoàn cảnh hiện tại để từ đó tìm ra lối đi và đạt được những tiến bộ thật sự, thay vì chỉ đạt được những lợi ích tạm thời và vô nghĩa. Nếu mọi người từ chối không đối mặt với hiện thực khó khăn, khả năng học tập của họ kém, hay chỉ học những điều sai lầm thì khả năng giải quyết vấn đề của họ sẽ tụt hậu và hậu quả là cộng đồng hay doanh nghiệp đó sẽ dần dần suy yếu và tàn lụi.

Năm 1999, khi ông Carlos Ghosn trở thành chủ tịch của công ty mô tô Nissan, ông đã buộc giới quản lý và những người lao động của mình phải đối mặt với sự thật khó chấp nhận: công ty đang tuột dốc một cách nhanh chóng và nếu muốn đảo ngược tình thế thì phải cải tổ những phương pháp kinh doanh kiểu Nhật đã tồn tại trong công ty trong nhiều thế hệ. Đây là thông điệp mà những người có tư tưởng truyền thống không hề muốn nghe. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đóng cửa nhà máy, sa thải hàng loạt người lao động và phá bỏ mạng lưới keiretsu của Nissan- một mạng lưới các nhà cung cấp và các công ty chi nhánh – vốn là nền tảng của các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản.

Một lý do khiến công ty gần như phá sản là do hành vi tắc trách của giới quản lý. Họ đã né tránh thực trạng hoạt động của công ty và những mối đe doạ cạnh tranh. Ghosn đã dành thời gian để đi tham quan khắp các hội trường, phòng trưng bày và các phân xưởng của Nissan, để đặt câu hỏi và để lắng nghe. Ông đã viết về khám phá của mình như sau:

Thành thật mà nói, tôi chưa gặp được một ai tại Nissan có thể cung cấp cho tôi một bản đánh giá, phân tích toàn diện về những gì đang xảy ra với công ty. Tôi không tìm ra được một nơi nào trong công ty mà có người có thể trình bày về công ty một cách rành mạch, rõ ràng. Không ai đưa ra được cho tôi một bản danh sách đúc kết ngắn gọn những vấn đề của công ty xếp theo tính chất quan trọng. Công tác quản lý hoàn toàn rơi vào tình trạng hỗn loạn. Và tôi tin rằng, chính điều này là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những khó khăn của Nissan.

Khi buộc mọi người đối diện với thực tế, Ghosn đã phải đối mặt với sự phản kháng hay những lời chỉ trích từ nhiều phía, người lao động, nhà cung cấp, các đoàn thể và cả các hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản.

Xem tiếp truy cập: \\bacninhserver\Thuviendulieu\Tai lieu ve quan ly