Cấp thoát nước cho Thành phố Bắc Ninh mùa hè năm 2014 thực trạng và giải pháp (07/07)

Công ty cổ phần nước sạch Bắc Ninh 15/05/2018

Mùa hè năm 2014 được dự báo là sẽ có thời tiết khắc nghiệt và bất thường, mùa khô kéo dài hơn, mưa bão có thể nhiều hơn và có cường độ lớn so với nhiều năm trở lại đây; bên cạnh những bất thường của thiên nhiên, trong những năm gần đây hiện tượng phát triển nóng các khu dân cư bên cạnh các đô thị cũ cũng như việc xây dựng hàng loạt các khu đô thị mới, trong khi sự đồng bộ của các cơ sở hạ tầng vẫn chưa theo kịp, đã làm cho công tác bảo đảm thoát nước cũng như duy trì cấp nước ổn định trở nên phức tạp hơn; thực trạng này cũng là tình trạng chung của nhiều đô thị trên cả nước đặc biệt là các đô thị lớn. Là một doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho hầu hết các đô thị trong Tỉnh cũng như vận hành và quản lý Hệ thống thoát nước và sử lý nước thải thành phố Bắc Ninh, ngay từ đầu năm 2014, Công ty Cấp thoát nước Bắc Ninh cũng đã có những giải pháp cụ thể nhằm định hướng hoạt động của đơn vị trong năm .

 Với những vẫn đề vượt quá thẩm quyền của đơn vị, Công ty cũng đã đề xuất với UBND tỉnh, UBND thành phố Bắc Ninh cũng như các ban ngành chức năng những kiến nghị cụ thể nhằm phát huy hiệu quả của các hệ thống hiện có, giảm thiểu những tác động tiêu cực của những yếu tố tự nhiên cũng như của con người liên quan đến các công trình hạ tầng đô thị thuộc phạm vi quản lý của mình .

 

Những nội dung nêu trong bài viết này là những nét khái quát nhưng cơ bản nhất được tổng kết từ các cơ sở dữ liệu của công ty, các bản báo cáo, kế hoạch và các kiến nghị đã được phát hành tới các bên liên quan trong thời gian qua.

* Về cấp nước cho Thành phố Bắc Ninh:

Với gần 400 km đường ống có đường kính từ 32-500mm với dây truyền sử lý nước công xuất thiết kế 22000 m3/ngđ, hệ thống cấp nước Bắc Ninh đang cung cấp cho 36 000 khách hàng dùng nước (tương đương 140.000 người được dùng nước máy hay khoảng 70% dân số Thành phố Bắc Ninh); trong khi thông thường để cấp nước ổn định cho lượng khách hàng này cần một nhà máy nước có công xuất thiết kế khoảng 30.000 m3 /ngđ .

Như một việc làm thường xuyên, tháng 1 hàng năm luôn là khoảng thời gian mà đơn vị cấp nước dựa vào những số liệu dùng nước trong những năm gần nhất tính toán hệ số tăng nhu cầu (lượng nước bình quân đầu người), hệ số tăng dân số và tỷ lệ tăng đấu nối trong năm, xây dựng một kịch bản cấp nước trong năm trong đó đặc biệt quan tâm đến lưu lượng dùng nước của tháng lớn nhất.

Sau hơn 10 năm cấp nước cho Thành phố Băc Ninh, một biểu đồ dùng nước các tháng trong năm đã được tổng kết và áp dụng.

Biểu đồ trên cho thấy khoảng thời gian phải cung cấp nước nhiều nhất là vào tháng giao nhau giữa mùa khô và đầu mùa mưa (với năm 2014 là khoảng tháng 5), đây là thời điểm bất lợi nhất của các nhà máy nước (đặc biệt là với nhà máy nước có công xuất thiết kế thấp hơn so với nhu cầu tiêu thụ), vào thời điểm này do ít mưa, mực nước ngầm của các giếng khoan cũng như lưu lượng và mực nước của các sông ngòi tự nhiên thấp nhất trong khi nhu cầu tăng đột biến.

Một biểu đồ dùng nước ngày cũng đã xây dựng thông qua lưu lượng cấp nước các giờ trong ngày, trong đó đặc biệt lưu ý đến mối tương quan giữa giờ dùng nước lớn nhất (Qmax), giờ dùng nước bình quân (Qtb)và giờ dùng nước tối thiểu (Qmin); trên cơ sở này các kỹ sư phải kiểm soát lưu lượng Trạm bơm cung cấp nước thô (trạm bơm I), cân đối với dung tích các bể chứa đài nước cho từng giờ trong ngày.

 

Qua thực tế dùng nước các năm (2008 – 2013) và các số liệu phân tích từ đầu năm 2014 có thể khẳng định: với năng lực cấp nước của các Nhà máy nước Bắc Ninh và các Nhà máy cấp nước Thị trấn liên quan (Lim và Phố Mới) năm 2014 nhu cầu sử dụng của các khách hàng của Hệ thống cấp nước Bắc Ninh vẫn được đáp ứng đầy đủ - với ít nhất gần 98% khách hàng luôn nhận được nước máy trong suốt 24 giờ trong ngày .

Tuy nhiên không phải tất cả các điểm sử dụng nước trên hệ thống đều nhận được một lượng nước với áp lực như nhau tuỳ thuộc vào khoảng cách và cao độ của điểm lấy nước mà khách hàng sẽ nhận được thông số áp lực khác nhau điều này giải thích tại sao xét về mặt khối lượng nước sản xuất so với nhu cầu tiêu thụ lượng nước sạch không thiếu; tuy nhiên ở một số thời điểm ở những hộ dùng nước cách xa nhà máy và có độ cao địa hình lớn nước vẫn không đến được .

Về vấn đề chất lượng nước: Hệ thống cấp nước Bắc Ninh gặp vấn đề về chất lượng sử lý ngay từ những ngày đầu tiên đi vào hoạt động (năm 1998) chất lượng nước thô khai thác được từ bài giếng khoan Hữu chấp và Đẩu hàn có hàm lượng săt và mangan vượt nhiều lần cho phép bảng số liệu dưới đây thể hiện điều đó:


Dây truyền sử lý nước thành phố Bắc Ninh thuộc vào loại phức tạp và khó vận hành nếu như xét theo khía cạnh các công nghệ sử dụng phổ biến ở Việt nam trong việc sử lý nước sinh hoạt với qui mô và nguồn nước tương tự ; để có được nước đầu ra đáp ứng được tiêu chuẩn cho phép với chất lượng nước nguồn nói trên Nhà máy nước Bắc Ninh vừa phải dùng vôi sữa để nâng PH tăng hiệu quả loại bỏ Mn vừa phải dùng phèn để loại keo tụ các chất lơ lửng vừa phải dùng clo để tăng cường ô xi hoá ..

Tuy nhiên vẫn có một lượng nhỏ sắt và Mn còn lại trong nước sau sử lý nó tiếp tục lắng đọng trong đường ống và sẽ làm vẩn đục nước trong đường ống ở một số điểm khi có sự sáo trộn về thuỷ lực hiện tượng này chỉ có thể được giảm thiểu khi Nhà máy hoạt động với công xuất thấp hơn so với năng lực thiết kế (ở mức 80%) .

Trước tất cả thực trạng trên những giải pháp mà Công ty đưa ra là:

+ Về mặt lưu lượng và áp lực:

 Đối với khách hàng sử dụng nước :

- Các khách hàng cần chủ động dự trữ nước vào những thời điểm mà áp lực nước cho phép để có thể sử dụng vào những thời điểm cao điểm (giờ cao điểm hàng ngày là vào từ 11h trưa đến 2 h chiều và từ 17h chiều đến 21 giờ buổi tối).

- Kiểm tra van khóa vào và ra của bể chứa nước; sử dụng nước tiết kiệm.

- Không sử dụng bơm hút trực tiếp vào đường ống, vì sẽ làm cho tình trạng áp lực trên đường ống trầm trọng thêm và làm cho các hộ cuối nguồn sẽ không nhận được nước .

Đối với đơn vị cung cấp nước :

- Điều tiết lại áp lực nước trên toàn địa bàn như : Khép bớt van điều tiết ở nhưng nơi gần Nhà máy và địa hình thấp.

- Duy trì áp lực cao vào giờ thấp điểm trong ngày (từ 00h đến 4h sáng hàng ngày) để có thể cấp nước được tới các điểm ở xa (so với nhà máy) và có cốt điạ hình cao .

- Chống thất thoát và kiểm soát chặt chẽ theo hướng hạn chế các nhu cầu dùng nước không thiết yếu.

+ Về mặt chất lượng :

- Kiểm soát chặt chẽ hơn lượng vôi sữa để giảm độ cứng của nước sau sử lý.

- Tăng lưu lượng cấp lên Thành phố từ các nhà máy thị trấn (Phố mới Lim) - nơi có chất lượng tốt hơn ở Thành phố Bắc Ninh.

- Kiểm soát vận hành theo các qui trình định sẵn và sử dụng hoá chất có hiệu quả sử lý cao (đã dùng PAC thay phèn).

- Tiến hành xục rửa thường xuyên hệ thống đường ống và thau rửa ngay những điểm dồn tụ cặn lắng đọng trong quá trình hoạt động.

    Tuy vậy giải pháp lâu dài, tổng thể và bền vững vẫn là: Xây dựng nhà máy mới bổ xung nguồn cho hệ thống (dự kiến Nhà máy nước sông cầu sẽ đi vào hoạt động ổn định vào tháng 7 năm 2014), Xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới phân phối (chương trình bắt đầu từ cuối năm 2014), Xây dựng một số trạm bơm tăng áp cục bộ (sẽ phải bắt đầu từ năm 2016). Và duy trì giá nước hợp lý cũng như chống thất thoát, thất thu nước.

* Về thoát nước:

  Sau 9 năm tiếp nhận quản lý hệ thống thoát nước thành phố Bắc Ninh từ Công ty Môi trường và đô thị Thành phố, từ năm nay Công ty cấp thoát nước Bắc Ninh mới bắt đầu vận hành một hệ thống thoát nước hoàn chỉnh với các hệ thống cống dọc các tuyến phố, hệ thống cống hộp thu gom nước mưa, hệ thống mương dẫn xả ra các hồ và kênh thuỷ lợi; hệ thống thoát nước này phục vụ cho 70% nhu cầu thoát nước của các khu đô thị cũ, chống úng ngập cho khu vực nội đô cũng như thu gom nước thải sinh hoạt mang đi sử lý, giảm thiểu tác hại của nước thải sinh hoạt ở khu vực này cho các cụm dân cư ven thị.

Về tổng quan thành phố Bắc Ninh hình thành bởi 7 lưu vực chính kết nối với các trạm bơm tiêu úng nông nghiệp (duy nhất có lưu vực: khu Cổ mễ, ga Thị cầu, Đồng Trầm là thông thuỷ trực tiếp với sông Cầu) cụ thể là :

 Trạm bơm Xuân Viên chủ yếu thoát nước cho khu vực Vạn An, một phần Kinh Bắc phường Vệ An và xã Khúc Xuyên cũng như một phần Xã Hoà long.

Trạm bơm Cổ Mễ và Hữu Chấp: Tiêu nước mưa và thoát nước cho xã Hòa Long một phần phường Kinh Bắc và Vũ Ninh.

Trạm bơm Kim đôi (1 và 2): tiêu thoát nước cho toàn bộ các lưu vực phía đông nam Thành phố bắt đầu từ Tuyến đường Như nguyệt (đê sông Cầu) đến gianh giới Thành phố với Tiên du .

Và hệ thống các hồ điều hoà bao gồm :

Hồ Đồng Trầm: điều hoà nước mưa từ khu vực phường Vũ Ninh, phường Đáp Cầu và Thị Cầu.

Hồ Thị Cầu: điều hoà nước mưa từ phường Đáp Cầu, Thị Cầu và một phần Kim Chân.

Hồ Phúc Ninh : chứa và điều hòa nước mưa cho phường Suối Hoa, một phần Tiền An, Đại Phúc và phần lớn phường Vũ Ninh.

Hồ Văn Miếu: Điều hòa và thoát nước cho lưu vực các phường Đại Phúc, Tiền An, Ninh Xá, một phần Võ Cường và Hòa Đình.

Hồ thành và Hồ ga (Bắc Ninh): điều hoà nước mưa cho các phường vệ an, khu thành cổ .

Sơ đồ này cho thấy sự phụ thộc của hệ thống thoát nước của Thành phố Bắc Ninh vào các tuyến kênh mương nội đồng và các trạm bơm thủy lợi, với trận mưa dưới 80mm /s/ha diễn ra tronmg vòng 2 giờ liên tục thì sự phụ thuộc này chưa rõ rệt; tuy nhiên với cũng thời gian trên và với lượng mưa từ 100mm/s/ha trở lên thì việc giải quyết úng ngập trong Thành phố sẽ bị quyết định bởi hệ thống kênh mương, trạm bơm đang phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp hiện nay.

 Về mặt lý thuyết với sự hoàn thiện của hệ thống thoát nước hiện nay, thành phố Bắc Ninh sẽ không xảy ra úng ngập cục bộ với trận mưa có cường độ nhỏ hơn trận mưa có tần xuất p=1 (trận mưa có cường độ 100ml/s ha trong diễn ra thời gian 25h) .

Tuy nhiên trên thực tế hệ thống thoát nước Bắc Ninh vẫn tồn tại nhiều bất cập mà Đơn vị quản lý vận hành hệ thống thoát nước và các bên liên quan vẫn tiếp tục phải tập trung giải quyết đó là:

- Hầu hết các hồ điều hòa cũ đều bị bồi lấp một phần, hiện tượng xâm lấn diện tích hồ xảy ra liên tục qua các năm và vẫn đang tiếp diễn

- Các hồ điều hòa mới như hồ Phúc ninh và hồ Văn miếu vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh

- Việc quản lý mực nước hồ, kênh mương chưa kết hợp chặt chẽ được mục tiêu thoát nước đô thị và tươi tiêu nông nghiệp

Vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua, các chuyên gia về thoát nước và thuỷ lực của công ty tư vấn LAHMAYER - Công hoà Liên bang Đức và các kỹ sư cấp thoát nước của Xí nghiệp thoát nước Bắc Ninh đã nghiên cứu tổng thể về mối quan hệ thuỷ lực giữa hệ thống thoát nước Thành phố Bắc Ninh và các tuyến kênh mương cũng như các trạm bơm liên quan và đưa ra những giải pháp sau :

- Cần duy trì và tu bổ nâng cấp các hồ hiện có bao gồm các công tác như: nạo vét, giữ mực nước hồ ổn định, chống xâm lấn và khai thác tự do .

- Sớm hoàn thiện 2 hệ thống hồ đã có trong qui hoạch và được đưa vào tính toán thong hệ thống chống úng ngập của hệ thống thoát nước Thành phố Bắc Ninh.

- Mở rộng tiết diện cũng như cải thiện điều kiện thuỷ lực cho các tuyến mương thoát nước từ các hồ ra kênh Kim đôi, nâng cấp cũng như thiết lập chế độ chạy các trạm bơm thuỷ nông trong đó có tính đến việc chống úng ngập cho Thành phố Bắc Ninh

- Cần có một bản qui hoạch thoát nước tổng thể cho thành phố Bắc Ninh trong đó có tính đến mối liên hệ thoát nước thải và nước mưa của các địa bàn hành chính lân cận, nằm trong lưu vực.

Đứng trước mùa mưa năm 2014, hiện trạng cấp thoát nước thành phố Bắc Ninh mặc dù vẫn còn những vấn đề còn đang tồn tại, cả ở những vướng mắc cụ thể trước mắt cũng như những bất cập mang tính chiến lược; tuy nhiên dưới góc độ chuyên môn quản lý, Hệ thống cấp thoát nước Thành phố Bắc Ninh cũng đã có những bước tiến vượt bậc cả về trình độ công nghệ cũng như mức độ hoàn thiện của hệ thống quản lý; với các công trình cấp thoát nước quan trọng đang được khẩn hoàn thành như: Hệ thống hồ điều hoà Văn miếu, Hồ Phúc ninh, Nhà máy nước Sông cầu v.v. Hệ thống cấp thoát nước Thành phồ Bắc Ninh sẽ hoạt động ổn định và hiệu quả đáp ứng yêu cầu của một hệ thống hạ tầng quan trọng cho một đô thị loại II.

 
 (Tg: Đinh Quang Hiệp- CT công ty)